Công ty CP sữa Hà Lan sản xuất hàng vạn hộp sữa bột kém chất lượng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C05) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty Cổ phần (CP) sữa Hà Lan, địa chỉ trụ sở tại 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc. Đồng thời, C05 tiếp tục phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hải Dương điều tra theo thẩm quyền.
Hơn 29.000 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố
Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, dịch vụ du lịch ( Phòng 6) của C05 đã phát hiện dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan.
Từ ngày ngày 24 - 25/8, Tổ công tác Phòng 6 đã đồng loạt ra quân, tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại 4 địa điểm gồm: Trụ sở, chi nhánh, kho hàng trực thuộc đối với Công ty CP sữa Hà Lan, địa chỉ trụ sở tại 335 Trần Cung do ông Nguyễn Trung Vương (39 tuổi, trú tại 335 Trần Cung) là Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật.
Sau khi xây dựng Nhà máy Holland Milk, địa chỉ tại Km39 Quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương, Công ty CP sữa Hà Lan đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và được cấp hồ sơ công bố sản phẩm.
Quá trình xác minh xác định, ông Nguyễn Trung Vuơng, Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm, từ mua nguyên liệu, xây dựng quy trình sản xuất, ...đưa về kho thành phẩm rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa Tổng giám đốc và các nhân viên.
Theo cơ quan công an, so sánh, đối chiếu giữa thành phần các loại nguyên liệu, phụ gia tại hồ sơ công bố đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận công bố và 14 loại lệnh do Công ty CP sữa Hà Lan tự ban hành để sản xuất 66 lô sản phẩm nêu trên cho thấy, khi đối chiếu giữa kết quả giám định, kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia thực hiện với hồ sơ công bố đã được xác nhận và kết quả kiểm tra thực tế, xác định: Tổng số lượng thành phẩm của 65/67 lô hàng hóa nói trên chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố; tổng giá trị số hàng theo hóa đơn xuất bán là 4,1 tỷ đồng, tương đương mức giá bán bình quân khoảng trên 150.000 đồng/hộp.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm phục vụ công tác xử lý; 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được. Số hàng này được bán qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có các kênh bán hàng thông qua các tổ chức công đoàn, các hội thảo giới thiệu sản phẩm, qua các trang mạng xã hội...
Qua làm việc, Nguyễn Trung Vương khai nhận nguyên nhân các sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố và ghi trên nhãn hộp là do sai sót trong khâu sản xuất. Thực tế kiểm tra tại Công ty CP sữa Hà Lan không lưu mẫu sản phẩm, không có phòng thí nghiệm riêng, không gửi sản phẩm kiểm nghiệm định kỳ.
Quá trình xác minh xác định, Nguyễn Trung Vương là người quyết định lựa chọn nguyên liệu, nhà cung cấp, số lượng, chủng loại, thanh toán kinh phí; tự đưa ra công thức phối trộn, thay đổi thành phần, thêm bớt tỷ lệ các loại nguyên liệu so với hồ sơ công bố thông qua các lệnh sản xuất và chỉ đạo nhân viên thực hiện theo công thức đã có sẵn.
Nguyễn Trung Vương là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty CP sữa Hà Lan và 3 Công ty khác do Vương nhờ người đứng tên gồm: Công ty CP dinh dưỡng Hoa Kỳ HD; Công ty CP sữa Y tế - Nhà máy Laxdomax ; Công ty CP sữa Y tế - Nhà máy Medical Milk.
Đối với các đơn vị gia công tại Nhà máy Holland Milk gồm 4 Công ty (Công ty CP dược phẩm Fukuoka; Công ty CP tập đoàn Panda Việt Nam, Công ty CP Nutriday Việt Nam và Công ty CP tập đoàn dinh dưỡng 24h Việt Nam), Nguyễn Trung Vương có tham gia cổ phần nhưng chỉ chịu trách nhiệm khâu sản xuất, còn việc kinh doanh do các Công ty trên độc lập thực hiện.
Tổng Giám đốc được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm
Bản thân Nguyễn Trung Vương là người có trình độ đại học dược và đã được tập huấn kiến thức về ATTP. Vương nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng, ATTP đối với tính mạng, sức khỏe con người, nhất là nhóm đối tượng trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và người cao tuổi có bệnh lý nền khi sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học mà Công ty CP sữa Hà Lan và các Công ty đang gia công tại Nhà máy Holland Milk sản xuất, kinh doanh.
Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Vương nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố và ghi nhãn sẽ làm cho sản phẩm không còn tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là vi phạm pháp luật, nhưng vì mục đích tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, thu lợi nhuận cao nên Vương vẫn thực hiện.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện, đối tượng Đỗ Minh Thu, nhân viên Công ty CP sữa Hà Lan đã tự ý cắt ghép 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm, rồi đem xác nhận sao y bản chính để làm hồ sơ công bố cho dòng sản phẩm The Beautiful Life sữa non và dòng sản phẩm dinh dưỡng y học sữa thực vật Enzym Milk Oganic để được phép lưu thông ra thị trường. Tổng số sản phẩm đã sản xuất của 2 dòng sản phẩm trên kể từ khi được cấp hồ sơ công bố là 6.126 hộp, có giá trị là gần 635 triệu đồng.
Ngoài việc khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan, C05 đã ra quyết định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 8 công ty liên quan với số tiền phạt 985 triệu đồng.