Cảnh giác bẫy lừa bán đất “ảo” từ giấy tờ giả
Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng tại nhiều địa phương, tình hình tội phạm lừa đảo trong giao dịch bất động sản tiếp tục diễn biến phức tạp.
Lừa đảo bán đất ''ảo''
Một nạn nhân cho biết, qua các mối quan hệ xã hội, chị có gặp một người chuyên môi giới bất động sản. Biết chị đang có nhu cầu mua đất để đầu tư, người này quảng cáo có thể mua được 1 suất đất ngoại giao ở thành phố Thanh Hóa với giá rẻ hơn giá thị trường, sau đó còn đưa chị đi xem đất. Nạn nhân đã đặt cọc 500 triệu đồng cho người môi giới mà không biết mình bị lừa.
''Đặt tiền cọc xong, gia đình cũng muốn sang tên luôn mảnh đất nên mới ra phường hỏi thì cán bộ địa chính cho xem bản đồ, dẫn ra xem đất mới thấy mảnh đất không phải là đất hôm trước mình đặt cọc. Lúc đó tôi mới biết là mình bị lừa'', nạn nhân cho hay.
Nhận được tin trình báo, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và bắt được đối tượng lừa đảo. Tại cơ quan công an, đối tượng này khai nhận, từng là cán bộ Ban giải phóng mặt bằng thành phố Thanh Hóa và đã gây ra 3 vụ lừa đảo bán đất ảo, chiếm đoạt của các bị hại tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận thông tin về hàng chục vụ lừa đảo bán đất "ảo" với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn do thường rất lâu sau khi sự việc xảy ra, các nạn nhân mới đến trình báo.
Giữa tháng 10 vừa qua, tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cơ quan công an cũng đã bắt giữ Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc Công ty Đất Vàng ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định về hành vi lừa đảo bán đất "ảo". Đối tượng này khai nhận đã dựng lên màn kịch có thể mua được những lô đất giá rẻ tại một dự án bất động sản ở thành phố Quy Nhơn để chiếm đoạt tiền đặt cọc của 7 bị hại với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Ngoài đất "ảo", giấy tờ giả để lừa đảo trong giao dịch bất động sản cũng là một thủ đoạn không mới. Các cơ quan chức năng thời gian qua cũng đã điều tra và tuyên nhiều bản án thích đáng với các đối tượng sử dụng con dấu, giấy tờ giả trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là "sổ đỏ" giả để lừa đảo.
Lừa đảo bằng sổ đỏ giả
Gần 1.300 tài liệu giả các loại, trong đó có hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng rất nhiều công cụ, máy móc để in ấn các loại giấy tờ giả là tang vật Công an tỉnh Bình Định đã thu giữ được tại nơi ở của Trần Đình Thành. Tại cơ quan công an, đối tượng này khai nhận không quan tâm việc "khách hàng" mua sổ đỏ giả để làm gì, chỉ cần chuyển đủ tiền thì sẽ được đáp ứng.
Đáng lo ngại khi nhiều đối tượng làm giả sổ đỏ như Thành vẫn chưa bị bắt giữ. Trên các trang mạng xã hội vẫn xuất hiện tràn lan quảng cáo dịch vụ làm sổ đỏ giả. Mọi giao dịch chỉ qua điện thoại, tin nhắn. Khi giấy tờ giả được làm xong thì sẽ được chuyển phát nhanh đến tay người đặt mua.
Sổ đỏ dễ bị làm giả và làm giả rất tinh vị đã khiến nhiều người trở thành nạn nhân. Mới đây, Trần Quốc Sâm, trú huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định và vợ là Nguyễn Thị Cẩm Nhung đã phải lãnh án 15 năm tù và 12 năm 6 tháng tù về hành vi mua 3 sổ đỏ giả dùng để thế chấp cho nhiều người, chiếm đoạt 2,35 tỷ đồng.
Công an tỉnh Hưng Yên cũng bắt giữ Vũ Thị Hà, đối tượng đã sử dụng 31 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả của các thửa đất trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và TP Hải Phòng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cầm cố, thế chấp vay tiền của các cá nhân rồi chiếm đoạt.
Bộ luật Hình sự quy định "người nào làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt đến 7 năm tù giam. Nhiều đối tượng đã phải vào tù về hành vi trên, song tình trạng sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo vẫn chưa hạ nhiệt. Người dân cần cẩn trọng trong giao dịch bất động sản để tránh bị lừa gạt bởi những giấy tờ giả mạo.