Cán bộ ngân hàng giả chữ ký hàng trăm khách, rút hơn 55 tỷ ra tiêu
  • 12/042023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

Cán bộ ngân hàng giả chữ ký hàng trăm khách, rút hơn 55 tỷ ra tiêu

Cựu cán bộ ngân hàng Agribank thừa nhận đã lập khống và giả mạo chữ ký của 330 khách hàng để rút hơn 55 tỷ đồng ra tiêu.

TAND Cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý hồ sơ để đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Agribank Chi nhánh huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên).

Theo bản án sơ thẩm, quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, vào khoảng tháng 1/2018, bị cáo Ngô Đức Việt (cựu cán bộ tín dụng Agribank - Chi nhánh Ân Thi) đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng để chi tiêu cá nhân. 

Việt đã truy cập vào hệ thống IPCAS (hệ thống quản lý nội bộ), lấy thông tin số hợp đồng của khách hàng trên hệ thống. Nhờ vậy, cán bộ ngân hàng này biết được hạn mức, dư nợ của từng khách hàng, biết được khách hàng nào đã tất toán khoản vay nhưng chưa hoặc không có nhu cầu vay vốn tiếp mà vẫn còn hạn mức tín dụng. 

Để chiếm đoạt được tiền giải ngân của Agribank - Chi nhánh Ân Thi, Việt đã lập khống, giả mạo chữ ký của khách hàng vay vốn trên hồ sơ tín dụng, hoặc giả mạo chữ ký của khách hàng trên Báo cáo đề xuất giải ngân kiêm giấy nhận nợ; Bảng kê mua hàng; Bảng theo dõi phát tiền và kế hoạch trả nợ (đối với khách hàng vẫn còn hạn mức dư nợ và vay lần 2).

Thậm chí Việt đã lợi dụng mối quan hệ quen biết, tin tưởng giữa khách hàng và bị cáo để đưa hồ sơ tín dụng cho khách hàng ký nhưng chưa ghi rõ số tiền. Sau khi ký xong Việt mới điền số tiền lớn hơn số mà khách hàng có nhu cầu vay, từ đó chiếm đoạt tiền.

Để che giấu hành vi phạm tội của mình, khi thực hiện các giao dịch rút tiền từ tài khoản bên thứ 3 thụ hưởng, bị cáo nhờ người quen (được bị cáo ghi tên trên hồ sơ vay vốn) đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền rồi giao lại cho Việt.

Kết quả điều tra xác định, thực tế khách hàng không có mặt tại ngân hàng để thực hiện các giao dịch rút tiền. Nhưng các giao dịch viên đã tin tưởng Ngô Đức Việt được khách hàng nhờ lấy hộ nên đã thực hiện giao dịch rồi đưa tiền cho Việt mà không yêu cầu khách hàng phải có mặt trực tiếp để rút tiền, cũng như đối chiếu giấy tờ tùy thân, chữ ký của khách hàng. 

Về phần Việt, để tránh bị phát hiện, đến kỳ thanh toán gốc và lãi vay theo giấy nhận nợ của khách hàng giả mạo vay vốn, bị cáo đã tự đóng tiền gốc và lãi vay cho ngân hàng như việc khách hàng thanh toán thật. 

Bị cáo Ngô Đức Việt thừa nhận, từ năm 2018 đến hết tháng 3/2021, đã lập khống và giả mạo chữ ký của 330 khách hàng, tương ứng với 367 giấy nhận nợ với số tiền giải ngân là hơn 66 tỷ đồng. Tổng dư nợ hiện tại là hơn 55 tỷ đồng đã bị Việt chiếm đoạt.

Thu tiền của khách hàng rồi... "nhét túi"

Vẫn theo bản án sơ thẩm, từ năm 2018- 2020, Agribank - Chi nhánh Ân Thi đã ký hợp đồng vay vốn với 9 khách hàng, tương ứng 11 hồ sơ giải ngân với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; dư nợ gốc là 723 triệu đồng. Toàn bộ hồ sơ vay vốn này đều do Ngô Đức Việt phụ trách theo dõi, đôn đốc. 

Việt đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao đưa ra thông tin Việt có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp thu hồi công nợ của khách hàng sau đó nộp về Agribank - Chi nhánh Ân Thi. 

Do tin tưởng nên 9 khách hàng này đã đưa 723 triệu đồng cho Ngô Đức Việt để thanh toán nợ gốc và lãi. Số tiền này, Việt không nộp về ngân hàng mà để chi tiêu sử dụng cá nhân. 

Trong vụ án này, bản án sơ thẩm cũng xác định hành vi phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ năm 2018 đến tháng 3/2021, gây thiệt hại hơn 34 tỷ đồng của các bị cáo: Võ Ngọc Ánh, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Quốc Văn và Phạm Như Sở (cựu Phó Trưởng phòng Kế hoạch - kinh doanh Agribank - Chi nhánh Ân Thi).

Bản án cũng xác định hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ năm 2018 đến tháng 3/2021, gây thiệt hại hơn 55 tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Trung Hắc và Nguyễn Văn Thuấn (cựu Phó Giám đốc Agribank - Chi nhánh Ân Thi).

Tags : Sjklaw, Tin tức
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: