Báo động lừa đảo chiếm đất của đồng bào dân tộc thiểu số
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai, một số đối tượng đã lừa chiếm quyền sử dụng đất.
Bỗng nhiên mất đất
Những ngày qua, chị Kưm ở làng Xóa, xã Chư Dang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai như ngồi trên đống lửa khi biết mảnh rẫy 5 sào trồng cà phê đã bị về tay người khác. Vì cần vốn làm ăn, năm 2018 vợ chồng chị cho người cùng làng là Vũ Thị Hằng thuê đất trong thời hạn 10 năm đến tận khi cán bộ phòng đăng ký đất đai huyện Chư Păh đến xác minh thì gia đình mới biết mảnh đất đã được sang tên chính Vũ Thị Hằng và đang làm thủ tục sang tên cho người khác.
Cũng giống như chị Kưm, gia đình ông Rơ Châm Dưnh ở làng Mơ Nông Rố 1 - xã Ya Ka huyện Chư Păh cũng đứng ngồi không yên vì cách đây ít lâu, người bà con mượn sổ đỏ của gia đình để vay một trăm triệu đồng nhưng thay vì làm hợp đồng vay vốn thì đối tượng lại lừa ông điểm chỉ vào hồ sơ sang nhượng đất. Và vụ việc chỉ được phát hiện khi cán bộ phòng đăng ký đất đai đến xác minh tận nơi.
Theo lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, trong hơn 1 năm qua, có đối tượng đã thực hiện giao dịch hàng chục lô đất với tổng diện tích hàng chục hecta. Chính vì nhận thấy có dấu hiệu bất thường, đơn vị đã tiến hành xác minh thì gần như 100% các hộ dân đều cho biết không bán đất.
"Một số đối tượng lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể là rủ ra công chứng để vay vốn nhưng thực tình là chuyển nhượng luôn" - ông Hoàng Anh Tuệ, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết.
Từ lừa đảo vay vốn đến mượn sổ đỏ để làm giả rồi thuê đất để sản xuất nhưng thực chất lại sang nhượng cho người khác. Điểm chung của nhiều vụ lừa đảo hiện nay tại Gia Lai là "bị hại" đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Những người không có nhiều kiến thức về kinh tế cũng như luật pháp, trong khi thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo vô cùng đa dạng và tinh vi.
Nhận mặt thủ đoạn chiếm đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua đất đai
Thủ đoạn thứ 1: Giúp vay vốn ngân hàng
Do không biết chữ, không biết tiếng Kinh nên người dân tin tưởng giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng để nhờ làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Chúng đã lợi dụng điều này để vay nhiều hơn gấp nhiều lần số tiền cần vay rồi bỏ trốn.
Thủ đoạn thứ 2: Thuê đất sản xuất:
Đối tượng thuê đất của người dân để sản xuất, trong quá trình làm thủ tục thì lợi dụng người dân không biết chữ, không biết tiếng Kinh rồi đưa tới phòng công chứng làm thủ tục sang nhượng đất cốt chỉ để người dân điểm chỉ hoàn tất thủ tục sang tên.
Thủ đoạn thứ 3: Làm khống giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Chúng tìm hiểu và biết một số hộ người dân tộc thiểu số có đất rẫy nhưng chưa làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó chúng khai gian dối nguồn gốc, diện tích, vị trí, chủ sở hữu đất vào hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó sang nhượng hoặc thế chấp vay tiền ngân hàng rồi bỏ trốn.
Thủ đoạn thứ 4: Nhận làm giúp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Các đối tượng nhận làm giúp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tộc thiểu số không biết chữ, không biết tiếng Kinh với điều kiện đối tượng được đứng tên trên bìa đỏ để thuận tiện làm thủ tục. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng mang thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác để trục lợi.
Khởi tố hàng chục vụ lừa đảo chiếm đất
Theo số liệu của Công an tỉnh Gia Lai, chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố: 11 vụ, 27 bị can vì các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc cấp, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất. Với tổng số đất đai bị lừa đảo chiếm đoạt lên tới hàng trăm hecta đất. Trước tình trạng trên, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh huyện Chư Pảh cũng đã đưa những giải pháp để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, để có thể ngăn chặn tuyệt đối các vụ lừa đảo đất đai là điều rất khó.
Giải pháp nào ngăn chặn lừa đảo đất đai trong đồng bào dân tộc thiểu số?
Theo ông Hoàng Anh Tuệ, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai: "Đối với các hồ sơ được cấp lần đầu thì không được viết hộ mà phải do người đồng bào viết hoặc là cán bộ biết chữ và biết tiếng Kinh ngồi đó viết cho người ta. Thứ hai là đối với trường hợp chuyển quyền thì nhắc nhở các xã cho công chức tư pháp xã phân tích thật kỹ cho người dân người địa phương là anh ký hợp đồng này là gì? Anh ký để vay vốn hay anh ký để bán đất chứ nói từ hợp đồng chuyển nhượng là người ta không hiểu đâu. Đây là người ta chưa hiểu được cụm từ chuyển nhượng thì phải nói cho họ biết là đây là hợp đồng bán đất cho người khác. Mình ký vào là không được trồng cây trên đất này nữa, không có quyền sản xuất trên đất này nữa và không được ở trên cái nhà này nữa, thì họ mới hiểu. Các trường hợp là người địa phương mà chuyển quyền cho người kinh thì phải kiểm tra kỹ một chút. Thà chúng tôi làm thủ tục chậm một chút nhưng cái này là bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Dấu hiệu để phát hiện cái này là khi tôi thấy hợp đồng giao dịch đó, trong bìa đỏ cấp 7-8 thửa mà trong đó chỉ có 400m2 đất ở thôi… Cả gia đình chỉ có mảnh đất đó thôi, bây giờ mà chuyển quyền toàn bộ diện tích đất ở đó và đất sản xuất đó thì họ lấy cái gì để sản xuất, lấy cái gì để sản xuất? Lấy cái cái gì để ở?!... Trong việc đo đạc thì anh em trong văn phòng sẽ hỏi chủ nhà xem việc này là đo để bán hay đo để vay vốn. Thì chúng tôi lại ghi nhận và ghi chú trường hợp đó thì mới phát hiện được chuyển nhượng thì chúng tôi lại chuyển lại cho ủy ban xã. Tuy nhiên không hạn chế được hết, chỉ được phần nào thôi".
Theo một cán bộ của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai chia sẻ với phóng viên, ngoài nguyên nhân là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết pháp luật còn hạn chế, cũng có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý, đăng ký đất đai, công chứng, chứng thực, thẩm định cho vay còn thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tích cực rà soát, xác minh hoạt động chuyển nhượng đất đai trên địa bàn trong thời gian gần đây, đồng thời phối hợp tuyên truyền cho người dân cảnh giác hơn trong việc thực hiện các giao dịch về đất đai.
Theo vtv.vn